6 tháng 11, 2013

Người giữ gìn nghề thêu truyền thống Chăm

Gương mặt tươi tắn với nụ cười rạng rỡ, chiếc khăn quàng trùm đầu vắt hờ ngang vai, duyên dáng trong trang phục Chăm, ở đâu người ta cũng dễ dàng nhận ra bà - người phụ nữ đã có công giữ gìn và phát triển nghề thêu truyền thống dân tộc Chăm. Bà là Nguyễn Thị Kim Chi, Chủ nhiệm HTX Thêu may Kim Chi (huyện Tân Phú, tỉnh An Giang).
Duyên nợ với nghề thêu
Bà Kim Chi (tên thường gọi là Maymounal) sinh năm 1951, trong một gia đình có 10 anh chị, em tại xã Phú Hiệp, huyện Tân Phú, An Giang. Gia đình khó khăn nên bà tự lập từ rất sớm. Các anh em bà mỗi người được giao một con cừu, tự nuôi, rồi bán lấy tiền chi tiêu cho bản thân. Trong khi các anh chị em khác dành tiền mua sắm vật dụng cần thiết thì bà Chi dành toàn bộ tiền kiếm được vào việc mua vải, kim chỉ... để học thêu. Cứ có thời gian rảnh rỗi là bà ngồi thêu. Hoa, lá, chim muông, đồ vật trong nhà đều trở thành mẫu thêu của bà. Niềm say mê thêu thùa theo bà vào đại học.
Và ngay cả khi đã tốt nghiệp vào năm 1973 và được giữ lại trường giảng dạy, những lúc không phải đến trường, bà lại đạp xe đến các ngõ ngách để học nghề thêu tay. Bà dốc toàn bộ công sức, thời gian, tiền bạc để học nghề. Bà kể: "Khi đó lương giảng dạy của tôi là 64.000 đồng, nhưng để học một mũi thêu tôi phải trả 2.000 đồng. Nhiều khi không còn tiền, bà phải thuyết phục đổi những ngón nghề mình biết cho người khác để học những mũi thêu mới chưa biết".
Năm 1989, bà Kim Chi khởi nghiệp gây dựng cơ sở thêu may xuất khẩu, để thỏa mãn niềm đam mê thêu thùa và để duy trì nghề truyền thống của ông cha. Khi đó, phụ nữ Chăm ở xã Phú Hiệp, huyện Tân Phú đều thêu thùa rất giỏi nhưng do bị “cấm cung” nên tay nghề cũng như các sản phẩm của họ không được xã hội biết đến. Bà đã phải đi vận động từng người, từng gia đình để giúp người phụ nữ vượt qua rào cản tâm lý, cũng như bước qua những lễ giáo, tín ngưỡng của dân tộc, đến với cơ sở, trước là để tạo công việc ổn định, sau là để giữ gìn nghề truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm cho mọi người, không chỉ giới hạn ở cộng đồng người Chăm.
Khi đó, cơ sở chỉ có 15 người thợ và 280.000 đồng tiền vốn, rộng 45 m2, dột nát khắp nơi. Bà và con gái sống được ở đó qua những ngày mưa là nhờ hai tấm tôn vụn, vừa đủ che chiếc giường ngủ với đầy hàng thêu gia công chồng đống trên đó. Để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày bà phải đạp xe đi hàng chục cây số để bỏ hàng ở các huyện, thị từ tỉnh An Giang đến Long An. Nhiều khi bà phải lặn lội xuống tận xí nghiệp thêu ở Tây Ninh nhận vải để làm phong phú nguồn hàng của mình. Đêm về bà lại cặm cụi cắt may từng chiếc áo trẻ con để sáng ra đem đến cửa hàng bán, kiếm thêm thu nhập.
Vừa mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển đổi mô hình sang HTX, bà Chi vừa chú trọng đào tạo tay nghề cho chị em phụ nữ. Bà nhận thức rằng, việc dạy nghề cho công nhân có 2 cái lợi, lợi trước mắt là luôn có đội ngũ công nhân có tay nghề mong muốn. Vì vậy, trong suốt những năm qua, HTX đã đào tạo miễn phí cho hơn 4.000 học viên, trong đó nhiều chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa, người khuyết tật. Chị em sau khi được đào tạo nghề sẽ làm việc cho Hợp tác xã hoặc nhận hàng về nhà gia công, thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay HTX Thêu may Kim Chi đã có 76 chị em lao động tay nghề cao và hơn 1.000 thợ gia công trên địa bàn tỉnh An Giang.
Sáng tạo không ngừng
Năm 1992, cơ may đã đến với HTX của bà khi công ty Benchi ở Đức và công ty Caraco của Pháp đã tìm đến xem cửa hàng. Bất ngờ trước những đường thêu tinh xảo, hoa văn phong phú, hai công ty này đã đặt hàng trực tiếp với HTX. Để có thể thâm nhập sâu và đứng vững ở thị trường quốc tế, bà cùng các thành viên HTX phải tự tìm tư liệu nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng ở các nước đó, sáng tạo không ngừng ra nhiều mẫu mã phù hợp. Vì vậy, năm 2002 cơ sở của bà đã có hàng tham gia Hội chợ Quốc tế vải sợi tại Đức, dần dần liên tục thành công trên thị trường trong và ngoài nước. Hợp tác xã đã có những mẫu thêu mới độc quyền bằng phương pháp “thêu mũi chữ thập hai mặt phải” (được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng “Độc quyền sáng chế”, năm 2006).
Với phương pháp thêu tay tinh tế này, mặt hàng tranh thêu, rèm cửa, khăn tay, thiếp mừng, khăn choàng, drap gối... của HTX luôn được khách hàng trong và ngoài nước chào đón nồng nhiệt. Đến nay sản phẩm thêu dệt của HTX đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới như: Đức, Pháp, Hy Lạp... Cá nhân bà Kim Chi được nhận nhiều bằng khen của Nhà nước; bà cũng là đồng bào dân tộc thiểu số duy nhất trong số 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN bình chọn trong năm 2006, là một trong 7 nữ doanh nhân được vinh danh tại cuộc thi giải thưởng "The Mekong Womens Entrepreneurship Challenge" (Doanh nhân nữ Mekong) năm 2013...

Bài và ảnh: Minh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét