23 tháng 2, 2014

Đầu năm về thăm thôn Đá Ba Cái

Một ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014, chúng tôi về thăm thôn Đá Ba Cái thuộc xã Phước Thành. Đây là địa danh văn hóa gắn liền với truyền thuyết tộc họ của đồng bào Raglai huyện vùng cao Bác Ái.

Anh Cao Thanh Hòa, 42 tuổi, Trưởng thôn Đá Ba Cái phấn khởi nói năm nay bà con đón tết đầm ấm, vui tươi. Nhà nước và các tổ chức từ thiện thăm hỏi, tặng quà giúp các gia đình nghèo có đủ điều kiện vui xuân. Toàn thôn có 146 hộ, với trên 450 nhân khẩu, nông dân đầu tư trồng mía đường, chuối thương phẩm, bắp lai bảo đảm cuộc sống ngày càng no ấm. Bà con đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn ngày càng phát triển.
Anh Hòa nhiệt tình đưa chúng tôi đến thăm Đá Ba Cái nằm trong khuôn viên Nhà cộng đồng khu dân cư dưới chân núi Ma Dú. Chỉ tay lên 3 hòn đá được đặt trên bệ xi măng cao khoảng 1 mét, anh Hòa cho biết từ thuở xa xưa Đá Ba Cái nằm cạnh đường giao thông nội thôn. Khi giải phóng mặt bằng thi công quốc lộ 27 B, Đá Ba Cái được di dời vào nhà cộng đồng, mỗi hòn đá có chiều dài khoảng 1 mét, cao khoảng 0,6 mét. Đây là địa chỉ văn hóa của đồng bào Raglai các địa phương trên địa bàn tỉnh đến thăm viếng vào những dịp lễ tết.
Ông Chamaléa Liếp 71 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành, cho biết Đá Bá Cái tiếng Raglai gọi là Patâu Tlơu Vok. Theo truyền thuyết thuở khai thiên lập địa ở khu vực Bác Ái có một vị hung thần tên Sipha Hà Lan có 7 hàm răng chuyên ăn thịt người. Vị hung thần sử dụng ba hòn đá làm bếp đun nấu thịt người. Tộc họ Chamaléa đã dùng dây mấu rừng tắm làm cho da có vị chát nên không bị hung thần ăn thịt. Tộc họ Chamaléa đến khu vực Đá Ba Cái đưa bà con bị hung thần bắt đưa đi giấu tránh bị ăn thịt. Sau khi hung thần chết do bị trái cây căm xe kẹp vào chỗ hiểm, tộc họ Chamaléa giải thoát những người đã được cất giấu. Người được giấu dưới hòn đá mài mang họ Patâu Axá, người giấu dưới bo bo mang họ Bo bo, người giấu dưới tro bếp mang họ Pô pôn, người giấu dưới mo cau mang họ Pinăng… Đá Ba Cái biểu tượng tinh thần đoàn kết gìn giữ tộc họ của đồng bào Raglai địa phương.
Hiện vật Đá Ba Cái gắn liền với văn hóa bản địa của đồng bào Raglai mời gọi du khách về thăm Phước Thành. Về đây, du khách được thưởng thức hương vị rượu cần, nghe hát đối đáp nam nữ, nghe đàn chapi hòa quyện mã la vang vọng dưới chân núi Ma Dú xanh biếc cây rừng.
http://www.baoninhthuan.com.vn/quehuong/55256p142c143/dau-nam-ve-tham-thon-da-ba-cai.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét